
“Bệnh căn” của bệnh lý sâu răng: tổng hợp đầy đủ nguyên nhân| ARRASMILE
Bệnh lý sâu răng được coi là một bệnh đa yếu tố phức tạp do nhiều nguyên nhân gây ra. Vậy có những nguyên nhân gì dẫn đến bệnh sâu răng mà nha sĩ cần biết để giải thích cho bệnh nhân trong quá trình thăm khám và tư vấn? Hãy cùng ARRASMILE tìm hiểu kỹ trong bài viết này nhé!
- Vai trò của vi khuẩn
Mảng bám răng là một màng mỏng bám trên bề mặt răng có chứa nhiều vi khuẩn nằm trên khung vô định hình từ mucoid nước bọt và polysaccharide của vi khuẩn ngoại bào. Các acid sinh ra từ các chất có trên mảng bám răng có vai trò quan trọng trong việc gây bệnh sâu răng.

Vai trò gây bệnh của mảng bám
Các chất đường từ thức ăn sẽ nhanh chóng khuếch tán vào mảng bám, được vi khuẩn chuyển hóa thành acid (chủ yếu là acid lactic). pH của mảng bám có thể giảm xuống tới 2 sau 10 phút ăn đường. Sau 30 – 60 phút, pH mảng bám quay trở về pH ban đầu do sự khuếch tán của đường và các acid mảng bám ra môi trường miệng và sự khuếch tán của các ion chất đệm từ nước bọt vào mảng bám. Nếu pH tới hạn của mảng bám <5.5 thì sẽ gây ra hiện tượng mất khoáng men răng.

Mảng bám là giao diện trao đổi hóa học giữa nước bọt và bề mặt men răng.
Các vi khuẩn có khả năng gây bệnh trong mảng bám
-Streptococcus mutans là chủng vi khuẩn có khả năng gây bệnh sâu răng cao nhất trong nghiên cứu thực nghiệm trên động vật.

-Các chủng vi khuẩn khác như S. sanguis, S.mitis, S. oralis và các loại Actinomyces và Lactobacillus cũng gây bệnh sâu răng thực nghiệm trên động vật.
2. Vai trò của Carbohydrate
– Sự lên men đường có vai trò quan trọng trong việc gây bệnh sâu răng. Sucrose (đường mía) có khả năng gây sâu răng cao hơn các loại đường khác.
– Đường trong chế độ ăn chia thành 2 loại: Đường nội sinh (đường trong hoa quả và rau) và đường ngoại sinh (đường bổ sung, sữa). Đường ngoại sinh có khả năng gây bệnh cao hơn, do vậy nên giảm đường ngoại sinh trong chế độ ăn.

– Sự liên quan trực tiếp giữa chế độ ăn đường và tỷ lệ bệnh sâu răng phụ thuộc vào cách thức và tần suất ăn đường hơn là tổng lượng đường tiêu thụ của mỗi cá thể . Nguy cơ sâu răng sẽ cao hơn ở những cá thể ăn đường giữa các bữa ăn, cung cấp carbohydrate dự trữ cho sự chuyển hóa của vi khuẩn trên mảng bám (thói quen ăn vặt) và ở những cá thể hay ăn các loại đường dính trên bề mặt răng.
3. Răng
Men răng
-Khả năng hòa tan men tỷ lệ nghịch với nồng độ fluor của men răng do các tinh thể fluorapatite ít bị hòa tan bởi acid hơn các tinh thể hydroxyapatite khi pH trên 4,5 (đây là pH tới hạn của fluorapatite).
– Nồng độ của ion fluor trong cấu trúc men răng có thể lên tới 2500 – 4000 p.p.m, nhưng nồng độ trong nước bọt chỉ ở mức 0,03 p.p.m. Do vậy, sự kết hợp của ion fluor vào cấu trúc của răng trong quá trình phát triển hoặc sử dụng fluor tại chỗ sau khi răng mọc làm giảm sự hủy khoáng và tăng cường khả năng tái khoáng men răng.

-Men răng thiểu sản hay men răng kém khoáng hóa có thể ảnh hưởng đến tiến triển của tổn thương sâu răng nhưng không gây tăng tỷ lệ các tổn thương khởi phát.
Hình thể răng
Các răng có hố rãnh sâu có nguy cơ sâu răng cao do sự tập trung mảng bám.
Vị trí răng
Răng lệch lạc làm tăng khả năng lưu giữ mảng bám dẫn đến tăng nguy cơ sâu răng.
4. Các yếu tố bệnh nguyên khác
Nước bọt
Nước bọt đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ răng khỏi các acid gây sâu răng nhờ các yếu tố sau:
-Dòng chảy, tốc độ dòng chảy của nước bọt là yếu tố làm sạch tự nhiên để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn còn lại sau ăn và vi khuẩn trên bề mặt răng.
-Cung cấp các ion Ca++, PO4— và fluor để tái khoáng hóa men răng, các bicarbonate tham gia vào quá trình đệm.
-Tạo một lớp màng mỏng (pellicle) từ nước bọt có vai trò như một hàng rào bảo vệ men răng khỏi pH nguy cơ.
-Cung cấp các kháng thể IgG, IgM đề kháng vi khuẩn.

Nồng độ chất đệm bicarbonate có thể tăng 60 lần khi có kích thích, ion Ca tăng nhẹ, ion phosphate không tăng. Nước bọt cung cấp các yếu tố bảo vệ tự nhiên để tái tạo mô răng khi pH ở mức nguy cơ (pH thách thức). Giảm dòng chảy nước bọt đến mức tối thiểu (0,7mL/phút) sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng.
Chế độ ăn
Chế độ ăn có chứa nhiều phosphate có khả năng giảm tỷ lệ sâu răng. Tăng chất béo trong khẩu phần ăn có thể làm giảm tác động của các tác nhân gây bệnh sâu răng.
-Ăn nhiều đường, nhất là đồ ăn vặt thường xuyên giữa các bữa ăn chính làm tăng nguy cơ sâu răng.

-Thói quen ăn uống trước khi đi ngủ, đặc biệt là trẻ nhỏ, việc cho bé bú bình kéo dài với sữa và các loại chất ngọt, nhất là bú trong khi ngủ làm tăng tỷ lệ sâu răng, gây nên hội chứng bú bình.
-Chỉnh nha, sử dụng hàm giả bán phần, trám răng không đúng quy cách làm tăng khả năng lưu giữ các mảnh thức ăn, mảng bám vi khuẩn, do đó làm tăng nguy cơ gây sâu răng.
-Yếu tố di truyền: Liên quan đến hình thể, cấu trúc răng, nước bọt, độ nhạy cảm với vi khuẩn… Tuy nhiên nó chỉ tác động rất nhỏ so với yếu tố môi trường, những gia đình bố mẹ bị sâu răng nhiều con cái cũng có khuynh hướng sâu răng nhiều chủ yếu là do bị ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống, vệ sinh răng miệng.
Miễn dịch với bệnh sâu răng
Bệnh sâu răng ở người có liên quan đến sự hình thành các kháng thể kháng S.mutans trong nước bọt và trong huyết thanh, nhưng phần lớn ở các cá thể, tính miễn dịch hoạt động tự nhiên này rất ít hiệu quả. Cơ chế miễn dịch nào phòng bệnh sâu răng thì vẫn chưa được biết cụ thể.

Tóm lại, bệnh lý sâu răng là do nhiều nguyên nhân gây ra với sự tác động của 3 yếu tố chính được Keyes tóm tắt thành sơ đồ mang tên ông. Vi khuẩn trong miệng (chủ yếu là Streptococcus Mutans) lên men các chất bột và đường còn dính lại răng tạo thành acid, acid này đã phá hủy tổ chức cứng của răng tạo thành lỗ sâu.
=> Tìm hiểu thêm:
4 nguyên tắc cơ bản trong điều trị chỉnh nha bằng khay trong suốt