
Phân tích mẫu hàm, phim Xquang và các bước chẩn đoán chuẩn trong chỉnh nha
Dữ liệu cận lâm sàng trong chỉnh nha được sử dụng với 2 mục đích:
- Ghi lại điểm bắt đầu điều trị.
- Cung cấp thông tin phụ trợ cho khám lâm sàng phục vụ cho chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị.
Vì vậy, cận lâm sàng là để phụ trợ chứ không phải thay thế cho khám lâm sàng.
I. Phân tích mẫu
Mẫu phải ghi lại được chi tiết các răng trên cung hàm, các phanh, dây chằng và lấy được hết ngách tiền đình. Mẫu được mài chuẩn với khớp cắn ở vị trí lồng múi tối đa.

1. Đánh giá sự cân xứng
Đánh giá sự cân xứng của cung hàm nhờ đặt một tấm nhựa trong bên trên có các ô vuông lên mẫu hàm sao cho đường giữa của bảng nằm trùng với đường giữa của mẫu, đánh giá vị trí của từng răng một.
2. Phân tích khoảng

Dựa vào số đo và so sánh chiều dài cung răng với tổng kích thước gần xa của tất cả các răng trên cùng một cung hàm mà kết luận mức độ thừa thiếu khoảng cho răng sắp đều trên cung hàm. Chú ý, trong các trường hợp răng quá khấp khểnh rất khó xác định chính xác kích thước gần xa của răng, có thể làm sai lệch kết quả.
3. Công thức của Tanakan và Jonhston
- Kích thước gần xa của 4 răng cửa dưới + 10,5mm = Độ rộng ước lượng của răng nanh và 2 răng hàm nhỏ hàm dưới của một bên cung hàm.
- Kích thước gần xa của 4 răng cửa dưới + 11mm = Độ rộng ước lượng của răng nanh và 2 răng hàm nhỏ hàm trên của một bên cung hàm.
4. Ước lượng dựa vào phim cận chóp
Kích thước gần xa răng số 5 sữa trên mẫu/ Kích thước gần xa răng số 5 sữa trên phim = Kích thước gần xa răng hàm nhỏ chưa mọc/ Kích thước gần xa răng hàm nhỏ trên phim.
Độ chính xác của phương pháp này phụ thuộc vào chất lượng của phim và vị trí của răng chưa mọc. Công thức này được áp dụng cho răng hàm trên và hàm dưới, cho tất cả các chủng tộc.
5. Sự hài hòa kích thước răng hàm trên và hàm dưới (chỉ số Bolton)
Bình thường để có khớp cắn tốt, hàm trên và hàm dưới khớp với nhau ở khớp cắn lý tưởng thì răng hàm trên và hàm dưới phải có tỉ lệ cân đối. Nếu răng trên quá to hoặc quá nhỏ (thường gặp răng cửa bên hàm trên có hình chêm hoặc kích thước nhỏ bất thường) so với răng hàm dưới hoặc ngược lại thì không thể có khớp cắn lý tưởng. Để đánh giá mức độ hài hòa của răng thì người ta sử dụng chỉ số Bolton.


II. Ảnh chụp
Chụp ảnh mặt thẳng khi bệnh nhân ở tư thế nghỉ và khi bệnh nhân cười tự nhiên chụp ảnh mặt nghiêng. Trong một số trường hợp, nếu có vấn đề nha chu đặc biệt, nên chụp ảnh cận cảnh tại chỗ.
III. Phim Panorama

Cho hình ảnh tổng quát chung về cung răng 2 hàm, tình trạng bệnh lý của răng, răng ngầm, mầm răng, răng thừa hay thiếu răng. Phim Pano còn có thể được sử dụng đánh giá sự tương xứng của cành cao, lồi cầu hai bên.
IV. Phim Cephalometric mặt nghiêng

Mục đích của phân tích phim nhằm:
Đánh giá tương quan 5 thành phần cấu trúc của sọ mặt: nền sọ, xương hàm trên, xương hàm dưới, răng hàm trên và răng hàm dưới. Phân tích mối tương quan của chúng với nhau và với nền sọ. Vì vậy phim này được sử dụng để phân tích chẩn đoán, theo dõi quá trình điều trị, đánh giá kết quả điều trị và phục vụ nghiên cứu.
V. Phim Cephalometric mặt thẳng
Chỉ định bắt buộc cho tất cả trường hợp có lệch mặt.
VI. Phim cận chóp
Cho hình ảnh chính xác nên chỉ định trong những trường hợp nha chu tiêu xương, bệnh lý của răng như viêm quanh cuống, gãy chân răng…
VII. Phim CT scan
Cho hình ảnh ba chiều nên thường được chỉ định trong những trường hợp răng ngầm không thể xác định hình thể và vị trí răng bằng các phim thông thường, bệnh lý khớp thái dương hàm.
VIII. Phim MRI
Chỉ định trong các trường hợp bệnh lý khớp thái dương hàm như trật khớp, thoái hóa khớp, răng ngầm…
IX. Chẩn đoán
Chẩn đoán trong chỉnh nha đòi hỏi phải đánh giá tổng thể các vấn đề của bệnh nhân từ khớp cắn đến thẩm mỹ mặt, nha chu, bệnh toàn thân, đến vấn đề tâm lý xã hội, chủng tộc của bệnh nhân. Chính vì vậy, để có được chẩn đoán phải dựa vào phỏng vấn, bệnh sử, phân tích mặt thẳng, mặt nghiêng, khớp thái dương hàm, khớp cắn, mẫu, phim Xquang. Để từ đó lập ra kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.
Để chẩn đoán phải tiến hành qua 2 bước:
- Nghiên cứu các dữ liệu chẩn đoán đầy đủ.
- Đưa ra các vấn đề của bệnh nhân – Chẩn đoán.
Bước 1: Phân tích thẩm mỹ mặt
Mối liên hệ theo tỉ lệ các thành phần của mặt: mũi, môi, cằm, xương hàm trên, xương hàm dưới theo chiều trước sau và theo chiều dọc.
Tương quan răng – môi – lợi khi bệnh nhân ở tư thế nghỉ cũng như tư thế cười.
Bước 2: Đánh giá sự sắp xếp, sự cân xứng của cung răng
- Đánh giá mức độ thừa thiếu khoảng
- Đánh giá sự cân xứng trong từng cung răng.

Bước 3: Đánh giá tương quan răng và xương theo chiều trước sau
- Mô tả chính xác khớp cắn chéo răng hàm và phân biệt được sai lệch khớp cắn do răng hay do xương.
- Đánh giá độ rộng của xương hàm trên dựa vào quan sát độ rộng của vòm miệng trên mẫu.
Bước 4: Đánh giá mối tương quan răng và xương theo chiều trước sau
- Phân loại khớp cắn theo Angle
- Xác định độ cắn chìa
- Nguyên nhân do răng hoặc xương
Bước 5: Đánh giá tương quan răng và xương theo chiều dọc
- Độ cắn trùm ở phía trước cũng như ở vùng răng hàm
- Nguyên nhân do răng hoặc xương
Tóm lại: Đứng trước mỗi ca chỉnh nha, ngoài yếu tố lâm sàng, bác sĩ cần phân tích đầy đủ các yếu tố cận lâm sàng như phân tích mẫu, phim Xquang. Từ đó mới đưa ra được chẩn đoán đầy đủ và chính xác.
Tìm hiểu thêm: