
Tổng hợp các loại lực di chuyển trong nắn chỉnh răng
Điểm mấu chốt để có thể dịch chuyển được răng đó là phải có một lực duy trì không đổi. Điều này cũng không có nghĩa là lực phải liên tục tuyệt đối mà lực phải được duy trì trong nhiều giờ chứ không phải trong vài phút hay vài ngày. Trong các thí nghiệm trên động vật cho thấy chỉ khi lực tác động lớn hơn 4 giờ thì khi đó chất hóa học trung gian mới được hình thành kích thích quá trình biệt hóa tế bào, khởi phát quá trình tiêu xương, hủy xương. Chính vì vậy mà lực trong nắn chỉnh răng được phân loại thời gian tác động gồm có 3 loại sau:

- Lực liên tục
- Lực gián đoạn
- Lực phân đoạn
1. Lực liên tục
Lực liên tục là lực duy trì trong khoảng một thời gian có thể xác định được từ ban đầu giữa hai lần tái khám. Khí cụ cố định có ưu điểm là tạo ra được lực liên tục, không phụ thuộc vào việc bệnh nhân có đeo hàm hay không nên sẽ là lựa chọn hàng đầu cho nắn chỉnh răng. Trong chỉnh nha bằng mắc cài, lực sẽ được duy trì trong suốt thời gian giữa hai lần thay hay kiểm tra dây. Tuy nhiên hầu hết các dây cung đang được lưu hành kể cả dây NiTi thì cũng không thể duy trì cường độ lực không thay đổi khi răng đã dịch chuyển do vậy mà ngày nay dây cung có độ đàn hồi lý tưởng để duy trì một cường độ lực hằng định vẫn chỉ là trong nghiên cứu.

2. Lực gián đoạn
Lực gián đoạn là lực giảm về 0 giữa hai lần tái khám. Lực này chỉ có thể được tạo ra bởi khí cụ cố định. Khi răng đã dịch chuyển, dây cung nằm hoàn toàn thụ động trong rãnh mắc cài thì lúc này lực tác động lên răng không còn nên phải thay dây cung khác để dịch chuyển răng theo ý muốn.

3. Lực phân đoạn
Lực phân đoạn là lực giảm đột ngột đến 0 mỗi khi bệnh nhân tháo hàm hay khí cụ cố định mất hiệu lực hay mất hoạt động tạm thời và sau đó quay trở về độ lớn như ban đầu khi bệnh nhân đeo hàm lại. Khi sự di chuyển răng xảy ra thì cường độ lực giảm như với khí cụ cố định (Lực phân đoạn trở thành lực gián đoạn giữa 2 lần tác dụng hàm). Kiểu lực này không sinh lý cho sự di chuyển răng mà chỉ thích hợp với di chuyển xương.
Tất cả khí cụ tháo lắp như hàm Hawley, Monoblock, Twinblock, hàm tháo lắp nhựa có tay móc lò xo để dịch chuyển răng có hiệu quả hay không đều phụ thuộc vào sự hợp tác của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân hợp tác tốt, đeo hàm liên tục thì khí cụ mới phát huy hiệu quả. Ngược lại khi bệnh nhân không đeo hàm hay đeo hàm không thường xuyên thì tác dụng sẽ không có hiệu quả và điều trị thất bại.

KIYOCLEAR hi vọng qua bài viết trên, quý Bác sĩ hiểu kỹ hơn về hệ thống các loại lực di chuyển trong nắn chỉnh răng để thực hành lâm sàng được tốt hơn cũng như đưa ra những yêu cầu cho bệnh nhân của mình.
Tìm hiểu thêm: